
Tác giả: Kim Dong-in (Hàn Quốc)
Đôi nét về tác giả, tác phẩm:
Kim Dong-in (1900-1951) là một trong những nhà văn tiên phong cho chủ nghĩa hiện thực và tự nhiên của nền văn học Hàn Quốc hiện đại. Sinh ra tại Pyeongyang, là con của một địa chủ giàu có trong thời kỳ thuộc Nhật, ông từng sang Nhật du học tại Học viện Meiji và trường Mỹ thuật Kawabata trước khi chuyên tâm theo đuổi sự nghiệp viết lách. Năm 1946, sau khi giải phóng Hàn Quốc, ông là một trong những nhà văn nòng cốt thành lập Hội Nhà văn Hàn Quốc. Ông qua đời tại nhà riêng ở Seoul năm 1951.
Kim Dong-in nổi tiếng nhất với thể loại truyện ngắn bởi kết hợp nhuần nhuyễn sự nhạy cảm mỹ học tinh tế với phong cách văn xuôi súc tích và cái nhìn khách quan. Ngoài ra ông còn có các tiểu thuyết lịch sử và phát hành nhiều tạp chí. Năm 1955, Tạp chí Thế Giới Tư Tưởng (Sasanggye) đã thành lập Giải thưởng Văn học Dong-in để tôn vinh những thành tựu văn chương của ông.
Khoai tây (Gamja) sáng tác năm 1921 là một trong những truyện ngắn nổi tiếng nhất của Kim Dong-in, tiêu biểu cho chủ nghĩa hiện thực của nền văn học Hàn hiện đại. Câu chuyện đầy bi kịch về số phận của một phụ nữ nghèo bị tha hóa và có cái kết bi đát đã hai lần được chuyển thể thành phim năm 1968 và 1987.
***
Đánh đấm, ngoại tình, giết chóc, trộm cắp, tù tội – khu lán trại tồi tàn bên ngoài Cổng thành Chilsong(1)là cái nơi sản sinh ra mọi bi kịch và bạo liệt trên đời này. Poknyo và chồng cô từng là nông dân trước khi tới đó, tầng lớp thứ hai trong bốn giai cấp: sĩ, nông, công, thương.
Poknyo luôn sống nghèo khó, nhưng cô lớn lên trong một gia đình nông dân ngay thẳng. Tất nhiên, khuôn phép truyền thống, nghiêm khắc của một gia đình sĩ phu đã không còn từ khi nhà cô rơi xuống tầng lớp nông dân, nhưng rõ rành, dù thế nào thì gia phong mơ hồ mà những gia đình thuần nông khác không có, vẫn được lưu giữ. Poknyo đã trưởng thành trong hoàn cảnh này, xem nó như một sự hoàn toàn bình thường khi tắm trần truồng ngoài suối vào mùa hè với đám con gái nhà khác và chạy khắp nơi trong vùng mà chỉ mặc độc chiếc quần, nhưng những khi làm thế, cô vẫn canh cánh trong lòng một cảm giác tế nhị mơ hồ về cái điều được gọi là phẩm hạnh. Continue reading →