[Review] Những chi tiết “kém duyên” trong Tháng năm rực rỡ

1521891190632CJV

Đây là một entry khá dài dòng và spoil tùm lum tà la nha các bạn!:)))

REVIEW TRƯỚC KHI XEM BẢN GỐC

Xem gần 2 tuần rồi, giờ mới có chút thời gian review phim này. Trước giờ mình cực ít review phim Việt, không phải vì không coi nhiều (mình cũng muốn ủng hộ phim Việt lắm chứ) mà vì chẳng có phim nào thực sự khiến minh “rung động”, ngoại trừ một số phim hiếm hoi được cả báo chí và giới chuyên môn đánh giá cao.

Và thế là, bữa giờ do bà con review khen rầm rộ, mình cũng đi xem Tháng năm rực rỡ. Phần để cảm nhận Đà Lạt của mình lên phim thế nào, phần để xem phim có thực sự đáng “đồng tiền bát gạo” không để mừng cho phim Việt – dù chỉ là bản remake.

Và sau khi xem xong, mình, dù không có ý so sánh vì thực sự chưa xem bản gốc Sunny của Hàn trước đó, chỉ là thấy phim ngoài những “rực rỡ” về phần nhìn, phần nghe đúng như tên gọi, thì nội dung phim vẫn chưa thuyết phục được mình. Có thể do gout của mình không hợp những thể loại thế này, mà cũng có thể do phim – xét ở góc độ một bộ phim độc lập nhé, vẫn còn một số chi tiết “kém duyên” mà mình review nhanh dưới đây, có spoil cho những ai chưa xem cẩn thận trước khi đọc nhé!

Bỏ qua những chi tiết vụn vặt như vào năm 2000 mà nhân vật xài tiền… polymer để mua vé số, hay phòng bệnh viện quá sang chảnh, kiểu chửi thề quá hiện đại…thì Tháng năm rực rỡ vẫn tồn tại những hạt sạn khiến phim trở nên “lợn cợn” kém duyên như này:

  1. Cách Hiểu Phương hồi trẻ rụt rè và chào kiểu gập người với các bạn mới trong lớp: rặt Hàn. Người Việt mình, dù có là thời trước 75 cũng không chào nhau “cung kính” đến như thế.
  2. Chi tiết mình cực kỳ bực và dị ứng đó là cách nói đùa/chửi bậy gọi người khác vốn là bạn bè cùng lớp là: “Đồ nhà quê!” nhiều lần mà không hề ngượng miệng. Ở đâu mình không biết, nhưng người Đà Lạt vốn dĩ hiền hòa và tinh tế, đặc biệt là người Đà Lạt XƯA (đâu phải ai trước 75 cũng được ở Đà Lạt đâu nhé). Nhất là với một cô gái dạng đài các kiêu kỳ lại con nhà giàu soang choảng như Tuyết Anh, chắc chả ai thô thiển và nói chuyện kiểu đó, lại là ở trường học trước mặt cô giáo mới ghê.

a1d29ac1ab7cd000f1597065a0f2470bCái miệng cổ xinh thế, mà lại….

3. Khi hội bạn bè thân thiết gặp lại nhau sau 25 năm nhưng nhưng kiểu gặp mặt trông rất kịch như cảnh Lan Chi nhào ra ôm Hiểu Phương, ôi nó cực kỳ đơ và thiếu thuyết phục. Chemistry cực tệ, không thấy xúc động đậy một miếng nào luôn ấy.

4. Cảnh đám tang Mỹ Dung ở cuối phim, mình nghĩ hoài nghĩ mãi cũng không tìm ra đám ma nào ở Việt Nam mà chả có lấy một mống  người thân, chỉ có mấy bà bạn bè thân tới nằm sải lai ở đó rồi ông luật sư đến đọc di chúc… Ôi xem phim mà nó cứ thấy sai sai, như kiểu mấy người này là người gì ấy chứ không phải người Việt ông bà cha mẹ ơi!@@

5. Cảnh chồng Hiểu Phương đi công tác và đến chỗ bến tàu nói lời tạm biệt rồi mới cầm PHONG BÌ tiền đưa cho vợ lo việc ở nhà và lo cho bạn kèm theo lời dặn dò với gương mặt đơ như cây cơ cực kỳ KỊCH. Người Việt chả ai làm vậy, có dặn dò hay đưa tiền thì đưa ở nhà, vợ chồng ăn ở với nhau một mặt con lớn ầm rồi cũng chả ai “làm màu” như thế.

6. Năm 1975 mà Hiểu Phương đã biết uống nước trực tiếp từ vòi nước công cộng. Ù uôi, Đà Lạt thời đó mà hiện đại dữ vậy sao? Đó là chưa kể hồi xưa xứ cao nguyên này lạnh teo… bugi mà đồng phục của các nhân vật nữ thời ấy ngoài áo len đồng phục ra thì còn chấp nhận, đâu thì toàn mặc… váy ngắn! Thế mới tài chứ??!!

7. Trong khi Hiểu Phương sợ Kiều Chinh đến mức gặp trong sân trường đông người còn “rét run” mà dám một mình hẹn Kiều Chinh ra chỗ nhà hoang nói chuyện, bắt cô ta phải… xin lỗi mình thì quá vô lý, khiên cưỡng.

8. Rồi khi các nhân vượt trưởng thành và tình cờ tìm gặp lại nhau mới hài hước làm sao. Đành rằng các cô từng là hội bạn thân, nhưng khi gặp lại nhau, cách các nhân vật – quý bà tuổi U50 ăn… chuối khi bàn tán về đàn ông và nói về… ngực nhau lại quá phô và kém duyên dáng, tỉ lệ nghịch với tuổi của các cô.

9. Hội phụ huynh có tuổi mà rủ rê nhau tụ band đi đánh học sinh, dù đó là đám học sinh cá biệt thì chi tiết này chả nhân văn tí nào. Đó là chưa kể nhân vật Hiểu Phương mặc đồ nữ sinh của… con gái đi đánh nhau, hoàn toàn không phù hợp với hoàn cảnh, thời điểm và tính cách người Việt, kiểu cưa sừng làm nghé quá lố rặt kiểu phim rom-com Hàn. Mà má êi, lại còn đánh nhau trong công viên mới máu chứ!:))

10. Nhân vật Đông Hồ uổng công xây dựng hình ảnh soái ca lịch lãm, có gout và đầy chiều sâu lúc còn trẻ, khi về già mở quán cà phê có tên là Nghệ thuật chi đó nhưng khi nhận được món quà của “người bạn cũ” sau mấy chục năm lại xé lớp giấy gói quà một cách cực kỳ… nông dân và thô kệch! Vả lại, nếu đã phát hiện ra món quà này là tranh vẽ chì trên giấy, mình sẽ không bao giờ cầm nó chạy ra mưa để nó ướt át như vậy. Chi tiết mưa gió này ban đầu tưởng làm cho câu chuyện trở nên đậm mùi drama hoài niệm nhắc nhớ người xưa tình cũ nhưng lại cho thấy tính cách của người đàn ông kia thô vụng và kém tinh tế.

20180310_5aa36ee241ddb

1D4A5594Uổng công xây dựng hình ảnh chàng Đông Hồ chuẩn soái ca mà về già lại kém ý tứ… haizzz

REVIEW SAU KHI XEM BẢN GỐC

Và rồi, sau đó (vì quá rảnh) mình tìm xem Sunny – nguyên gốc bản Hàn, và đã giải mã được mọi nỗi bực dọc của mình. Thì ra những lợn cợn mình thấy là bởi bản remake Việt đã sao chép một cách máy móc bản Hàn dẫu văn hóa có nhiều khác biệt.

thang-nam-ruc-ro-nhieu-diem-moi-la-so-voi-sunny-3

Nếu bản Hàn tinh tế và hợp lý, đôi khi over làm quá theo xì tai Hàn Xẻng nhưng chấp nhận được thì đến khi sang bản Việt do chuyển hóa không khéo léo, bê nguyên xi “văn mẫu” lên giấy trắng nên lại thành ra những hạt sạn to đùng khiến nhiều người như mình cảm thấy ngắc ngứ như ăn cá mắc xương. Cụ thể như sau:

1. Vụ hẹn gặp ở bãi rác lại là chi tiết rất cầu thị và nhân văn của nhân vật Im Na Mi (Hiểu Phương) và nó không đáng sợ và gây ám ảnh như bản Việt.

2. Khi các nhân vật đi tìm bạn, họ đến chỗ văn phòng thám tử để tìm nên tránh được gút mắc tìm khơi khơi như bản Việt. Đồng thời, Im Na Mi cũng đề nghị tìm thêm hai nhân vật bạn cũ là Jung Su Ri (Tuyết Anh) và Han Jun Ho (Đông Hồ) nên không khiến mình chưng hửng như khi xem bản Việt, không hiểu tự nhiên Hiểu Phương tìm đâu ra ông Đông Hồ khi về già.

3. Khi nhân vật Na Mi đến quán cafe của Jun Ho để tặng quà là bức tranh ngày xưa, bà nói rõ là bà tặng. Và mặc dù ông này cũng xé lớp giấy nhưng vì đạo diễn chọn nhân vật có gương mặt khả ái, hành động từ tốn nên chi tiết này lại trở nên nhẹ nhàng. Ông Jun Ho lại chạy ra tìm bà Na Mi giữa trời đêm ấm áp không mưa, khiến khán giả cảm thấy mọi nút thắt như được tháo gỡ chứ không kiểu khó chịu và ức chế như bản Việt.

4. Mấy cô nhóc côn đồ khi còn trẻ không đến mức “đáng sợ” như bản Việt. Bản Hàn chỉ xây dựng bọn chúng như một đám choai choai mới lớn ưa chơi nổi, thích bắt nạt bạn bè thôi chứ không quá “đầu gấu” như trong Tháng năm rực rỡ.

5. Cách chửi bới của các nhân vật thì nghe… dễ thương chứ không phải kiểu chửi chả ra chửi ở bản Việt, rõ rành là “google dịch” từ bản Hàn. Với cả, chả ai mệnh danh là “Nữ hoàng chửi thề” mà mở miệng cứ chỉ biết mấy câu “Đù đù”! Haha, chửi vậy khỏi chửi còn hơn nha!

sunny-mot-bo-phim-hanh-phuc

Không biết sao, nhưng cảnh các bà cô Hàn ăn chuối trong Sunny mình thấy vui và hài hước chứ không dung tục như ở Tháng năm rực rỡ! >”<

6. Cách gặp lại nhân vật làm gái quán rượu Bok Hee (Bảo Châu) cũng không gây cho khán giả sự ám ảnh về độ “đèn mờ” như bản Việt. Ở bản Hàn, nhân vật này chỉ đơn giản bị lâm vào cảnh khổ là do mẹ cô vay mượn mở tiệm làm tóc sau đó đổ nợ và phải làm việc ở quán rượu. Đoạn này bản Hàn cũng không có những cảnh hay câu thoại sặc mùi đàng điếm đến dơ dáng như bản phim Việt.

7. Cảnh Im Na Mi và Jung Su Ri uống rượu làm hòa với nhau khá tinh tế khi cho hai nhân vật tô son đậm bởi ở Hàn quốc dưới 18 tuổi không được uống rượu. Hơn nữa, cảnh này ở bản Hàn lại thành ra hợp lý vì gái Hàn thường nốc sochu ừng ực kiểu văn hóa nó thế còn sang bản Việt thì cảnh hai cô nàng nhóc con Hiểu Phương và Tuyết Anh ra… quán cóc bán hột vịt lộn lề đường uống rượu, làm hòa rồi tán dương… nhan sắc của nhau nghe thôi đã thấy sai quá sai rồi, kiểu copy ì xì bản gốc mà không có sự biến hóa cho hợp lý.

1d4a6411-152131398864623424194Mình để hình đây, mọi người tự nhận xét!=)))

8. Bản Hàn hay ở chỗ đã nhấn mạnh sự biến đổi của Im Na Mi từ một phụ nữ chỉ biết vùi đầu vào công việc nội trợ và nhận sự ghẻ lạnh của chồng con đã dần TỰ MÌNH thay đổi bản thân khi gặp lại bạn bè và chứng kiến sự đổi thay của nhóm bạn thân.

9. Thay vì cho nguyên nhóm bạn thân ngồi coi lại đoạn  băng ngày xưa trong Tháng năm rực rỡ, ở bản Hàn chi tiết Im Na Mi một mình say xưa xem lại đoạn băng quay ngày xưa và bỏ lỡ cú điện thoại của chồng tinh tế ở chỗ cô có thể một mình chiêm nghiệm và vì thế nhấn mạnh sự thay đổi của bản thân cô, tự cô nhớ lại kỷ niệm thanh xuân đẹp đẽ và muốn viết sách về thời thanh xuân của cả bọn. Thay vì bản Việt nhân vật Hiểu Phương  (do Hồng Anh đóng) chỉ nghĩ đến sự đổi thay khi di chúc của Mỹ Dung khuyên khơi khơi là Hiểu Phương nên có sự nghiệp riêng bla blô sao đó và Hiểu Phương trung niên mỉm cười nụ cười hồn hậu kiểu-như-hiểu-ra nhưng chả biết có thực sự muốn thay đổi mình hay không.

10. Những chi tiết nhà cửa, xe cộ, quần áo hay cả máy quay phim của bản Hàn khiến mình cảm thấy mọi thứ hợp lý hơn bởi nó chân thật. Còn như những cảnh quay tại Đà lạt trước 75 dù đạo diễn Nguyễn Quang Dũng đã rất dụng công dựng cả một khu Hòa Bình tại phim trường ở Quận 9 theo như lời anh chia sẻ trong buổi công chiếu, thì… thực sự mình vẫn không cảm nhận được đó là cách sống của người Đà Lạt nói riêng và người Việt ở miền Nam nói chung ở buổi giao thời. Cứ như đạo diễn dựng nên một xứ nào đó khác và gọi đó là Đà Lạt, tự phong những nhân vật đi lại trong đó là người Đà Lạt chứ thực sự nó cứ… lai căng và sai sai kiểu gì ấy.

1_151579Một góc quán của K-cafe dù có mang hơi hướm retro nhưng vẫn rất hiện đại so với cảnh Đà Lạt xưa

Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại. Bản phim remake có những ưu điểm sau:

Phim cực kỳ đẹp về quay, dựng cảnh. Âm nhạc do Đức Trí phối lại những bài cũ như Vết thù trên lưng ngựa hoang, Kim, Yêu, Niệm khúc cuối… cùng một vài sáng tác mới như Nụ hôn đánh rơi, Rực rỡ tháng năm vô cùng tuyệt vời. Cách biên kịch biến hóa bài Sunny- ca khúc chủ đề của phim cũng là tên nhóm nhân vật chính thành bài Vết thù trên lưng ngựa hoang thực sự khéo léo, lại hợp tình hợp cảnh, link đến tình hình tranh tối tranh sáng của nền chính trị rối ren thời kỳ đó.

3349_3

Các diễn viên chính sắm vai các thành viên nhóm Ngựa Hoang thời trẻ thì đúng là thanh xuân lồng lộng. Cô nào cũng đẹp, cũng xinh, đóng đạt phối đồ lại cực kỳ retro theo phong cách colorblock, mình ưng. Nhưng không hiểu sao, các nhân vật khi về già lại ăn mặc sến sẩm và gout thời trang xuống cấp… trầm trọng vậy, trừ nhân vật Mỹ Dung do Thanh Hằng đóng.

thumb4_121550503683390

Đoạn Hiểu Phương do Hoàng yến Chibi đóng, hát bài “Yêu” của nhạc sĩ Văn Phụng trong mưa thật vô cùng duyên dáng. Em ý vừa hát vừa nhảy múa trong mưa chỉ với một shot quay làm mình nhớ đến La La Land và trong tay cầm cây dù khiến mình không thể không nghĩ đến nhân vật “The Mother” đầy lãng mạn trong How I Met Your Mother!

2nhung-con-doc-o-da-lat-luon-hop-hon-du-khach-tu-xua-den-nay-1512703984058-1519846043066917591268Dốc Nhà Bò cuối đường Đào Duy Từ lên phim đẹp phết!

Ngoài ra, đoạn Hiểu Phương bắt gặp Đông Hồ hôn Tuyết Anh, thất tình tan nát, đi trong mưa hát Nụ hôn đánh rơi lại khá tâm trạng và xúc động. Để rồi biên kịch để hai nhân vật Hiểu Phương trẻ già “gặp nhau” khi cây dù của Hiểu Phương tuổi trung niên đưa ra che mưa cho cô bé Hiểu Phương tuổi thanh xuân, khiến mình cảm thấy chi tiết này tinh tế hơn bản gốc.

Kết lại, sau khi mình xem phim xong thì cảm giác là: phim không xuất sắc đến mức như người ta ca tụng, nào là “Phim remake hay nhất từ trước đến giờ” hay “Phim rất hay vì Nguyễn Quang Dũng đã rất dũng cảm”. Nhưng quả thật, chiến dịch truyền thông của Tháng năm rực rỡ tốt quá, kiểu như ai mà chê sẽ trở thành kẻ lạc loài ấy, nên chắc không ai dám… chê luôn, haha.

QolQi1O

Tất nhiên mình thì cũng chả muốn làm “Thánh Soi” hay gì mà chỉ đi coi ở góc độ khán giả bình thường, nhưng rồi khi ra về lại thấy hơi… buồn vì người Việt mình hễ có phim nào kịch bản tốt chút thì hoặc là dính nghi án “chôm chỉa” ý tưởng như Giao lộ định mệnh của Victor Vũ tình cờ “na ná” Shattered của đạo diễn Hollywood Wolfgang Petersen… Ngoài những dạng phim kịch tính có twist, những phim nhẹ nhàng hài hước rom-com tí thì lại dùng các tên tuổi làng hài hay hot boy hot girl mà phần nhiều trong số đó đóng đơ như cây cơ. Việc lạm dụng giới tính thứ ba, các nhân vật đồng tính uốn éo phô phang để câu khách thì nhan nhản đến nỗi không thể đếm xuể. Một số phim mà mình hi vọng là sẽ khá hơn khi nói về thân phận của những kẻ “trôi sông lạc chợ” như Xóm trọ 3D hay Lô Tô thì rất tiếc là làm lưng chừng, không tới thậm chí còn khiến người khác thêm sợ hãi thế giới của những người này vì nếu không sến súa đến drama thì cũng bạo liệt đến đáng sợ. Một vài điểm sáng như Em chưa 18 thì quá hiếm hoi. Tuy nhiên, gần đây có Dạ cổ hoài lang của Nguyễn Quang Dũng mình thấy làm rất tốt và lấy được nước mắt đồng cảm thực sự của khán giả thì lại không được lòng giới chuyên môn bởi do hạn chế “kinh phí” hay vì “động chạm” nhiều thứ chính trị hay gì thì mình không thể hiểu nổi.

Về phần phim remake- mấy năm nay bắt đầu lên ngôi nhờ sự hậu thuẫn nhiệt tình của làn sóng Hallyu- ngoài một số phim coi hay như Em là bà nội của anh của Phan xi nê được làm lại từ Miss Granny thành công hốt bạc tỉ… thì đầy những  “thảm họa” như Bếp Hát, Sắc đẹp ngàn cân. Để rồi sau Em là bà nội của anh, Phan xi nê thừa thắng xông lên làm tiếp phim mới Cô gái đến từ hôm qua chuyển thể từ truyện dài của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, thì lại phập phù, nhạt nhẽo không thuyết phục. Vậy chứng tỏ phim đại thắng là do kịch bản nền đã quá hay hay do tài năng của đạo diễn thì tự khán giả sẽ đoán ra thôi ha! Chưa kể, sắp tới còn là thời remake tung hoành khi hàng loạt dự án phim remake mới không chỉ của Hàn mà còn của Mỹ như Ông ngoại tuổi 30 (Scandal Makers) rồi 50 First Dates kịch bản đã quá cũ kỹ rục rịch ra rạp, ôi… thiệt… đau não!!!

Buồn nữa là, mình cảm thấy thua thiệt ngay trên sân nhà, không chỉ là việc nằm chiếu dưới từ khâu chọn kịch bản mà ngay cả trong nội dung phim khi link đến các vấn đề chính trị, kinh tế lẫn văn hóa. Đơn cử như ở Sunny, mình không thấy cuộc sống của các cô gái Hàn trong phim trước và sau khác quá nhiều vì cơ bản xã hội của họ đã không hề thay đổi đến mức 180 độ. Còn ở VN, tại sao không ai đặt câu hỏi là tại sao trước năm 75 mà các cô gái Việt lại có thể ăn mặc đẹp như vậy, có gout đến vậy, nghe nhạc có style đến vậy để rồi sau “giao thời” lại trở nên những bà cô nội trợ, bà chủ… tiệm cầm đồ, gái bán hoa về già thê thảm… đến vậy? Sự “xuống cấp” ở đây không đơn giản nằm ở chỗ chỉ là cuộc đời đưa đẩy đang con nhà giàu chủ hãng phim trở nên nghèo túng hay bỗng chốc hên lấy chồng giàu đi tàu viễn dương nên lên hương, mà ý mình đang nói đến cách nói năng, ăn mặc thể hiện phông văn hóa… “kém sang” – từ mà dân mạng ưa dùng gần đây- là vì điều gì?

bhd-star-thang-nam-ruc-ro-poster-470x700Nhiều khi sự “rực rỡ” chỉ nằm ở… tên phim và cái… poster ha các bạn!

Nhưng đó là chuyện trên phim, còn ngoài đời thì giờ Hàn Quốc đã trở thành một cường quốc như thế nào, còn VN thì lại toàn nhận về những thứ người ta đã xài qua và… chắp vá, độ lại để xài, để xem và để… ca tụng!:( Tất nhiên mình không chỉ nói về phim ảnh. Đó là hậu quả của điều gì ngoài việc xã hội mới này đã đảo lộn mọi giá trị đến mức đổi thay cả nền tảng văn hóa của cả một thế hệ người Việt.

Vì đâu nên nỗi? >’’’’<

Thôi, thở phào một cái vì chương trình lảm nhảm đến đây là kết thúc rồi!

Dù sao, sau khi coi phim xong tự nhiên cũng nhớ đến một thời thanh xuân tung hoành của mình và nhóm Nhí nhố thân thiết ngày trước, cũng thấy vui vui, dễ thương nhưng chỉ vậy mà thôi. Ai đi xem về lỡ có đọc được bài review “lạc trend” trên đây mà thấy không đồng cảm được thì cứ coi như tại người viết bài này có một tâm hồn quá khô khan cứng nhắc không cảm phim nổi, một người hổng thể tin người ta có thể cóp nhặt tuổi thanh xuân ở đâu đó về tô vẽ thành tuổi thanh xuân của chính họ.

Vậy mà phim Việt làm được, thế mới tài.

Vậy đi ha!

Yun

3.2018

8 thoughts on “[Review] Những chi tiết “kém duyên” trong Tháng năm rực rỡ

  1. Người Bắc Việt mình có chào nhau thế nhé. Sau 1954 là Bác Hồ dẹp kiểu chào tào lao ấy rồi. Thằng nào chào thì cho đi cải tạo. Ở Hàn Quốc thì Bác Kim không thắng nên họ vẫn chào kiểu kia.
    Người Nam Việt chả biết cái gì cũng ý kiến lung tung.
    Hollywood còn được gọi là “công xưởng của những giấc mơ,” làm phim để kiếm tiền, người ta xem phim là để thấy mình được dự phần vào bộ phim ví dụ như người xem tưởng mình cũng sang chảng Đà Lạt trước 1975 v.v… Khoảng 1985 người Đà Lạt ăn mặc thế nào? Có nên làm phim sang chảng về giai đoạn này không?
    Còn Đà Lạt có là mọi hay không thì họ, khán giả lẫn nhà làm phim, 0 cần quan tâm. Vd nước fôngtên.
    Quân cảnh sao mặc đồ lính trận?
    Đà Lạt trước 1975 có loa phường để tuyên truyền cho nhân dân biết chủ trương của Đảng và Nhà Nước VNCH như Dốc Nhà Bò Đào Duy Từ không?

    “một người hổng thể tin người ta có thể cóp nhặt tuổi thanh xuân ở đâu đó về tô vẽ thành tuổi thanh xuân của chính họ.
    Vậy mà phim Việt làm được, thế mới tài.”
    Xem thì không nghĩ mà nghĩ thì không xem.

    • Cám ơn bạn đã góp ý. Đây là những nhận xét riêng của mình về bộ phim trên page riêng, có thể hợp có thể chưa hợp với ý kiến của người khác nhưng cũng cần có sự tôn trọng. Vậy thôi. Còn nếu nhận xét trong review của mình có “lung tung” thì cũng cám ơn vì nhờ bạn mình mới mở rộng tầm mắt để tìm hiểu dân Bắc Việt từng có thời “tào lao” như thế ha.

  2. Mình đồng ý với nhận xét của bạn. Xem đến đoạn mấy bà đánh tụi học sinh ngoài công viên là hết chịu nổi.

Leave a reply to Vu Quang Cancel reply